Dạy và học trực tuyến không phải để... vui là chính!
Giáo viên chưa có kinh nghiệm, phụ huynh không biết sử dụng các thiết bị công nghệ, học sinh chưa có tinh thần tự học cao, các ứng dụng dạy học bị hạn chế... là những khó khăn gặp phải khi triển khai dạy học trực tuyến.
Sau một thời gian các trường triển khai dạy học trực tuyến, dù nhận ra nhiều ưu điểm của phương thức này nhưng để phát huy hiệu quả, các giáo viên (GV) đã chỉ ra những điều bất cập cần khắc phục.
Học sinh ra, vô liên tục
Ngay từ những ngày đầu thời gian tạm nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường đã tổ chức và triển khai cho học sinh (HS) tham gia các lớp học trực tuyến, làm bài tập online… Tuy nhiên, sau hơn một tháng thực hiện, một số GV cho rằng, đối với HS có ý thức, có khi không cần đến những tương tác trực tuyến của thầy cô, các em vẫn tự tạo thời khóa biểu học tập trong thời gian nghỉ không đến trường. Với phần lớn các HS, do việc học trực tuyến ban đầu là phương án có tính tình thế, không có những áp lực về kiểm tra đánh giá, chưa tạo thành thói quen nên còn lơ là, tham gia với tinh thần “vui là chính”, do vậy tính hiệu quả chưa như mong muốn.
GV V.K dạy ngữ văn tại một trường THCS ở Q.1 (TP.HCM) cho biết trước mỗi giờ dạy trực tuyến, thông qua các nhóm phụ huynh, nhóm HS, qua các kênh liên lạc trên mạng xã hội, GV phải “rao” liên tục trong vòng 1 đến 2 ngày để các em sắp xếp thời gian tham gia. Thật sự “may mắn lắm mới có khoảng 50% HS tham gia, còn lại có môn HS ra vô liên tục, không tập trung”.
Tương tự, GV T.L sau một tháng thực hiện lớp học tiếng Anh trực tuyến cho HS khối 7 và khối 8, đã gửi tin nhắn đến phụ huynh thông báo về tình hình lớp học: “Về giờ giấc học tập, một số HS có biểu hiện học không đều, vắng thường xuyên, không hoàn thành bài trong thời gian dài. Hoặc các em vẫn online nhưng dành thời gian làm việc riêng như chat, chơi game… khiến thời gian trên lớp bị ảnh hưởng”.
Nói về những hạn chế của hình thức học trực tuyến cho HS tại VN, GV V.K cho rằng vai trò của phụ huynh khá quan trọng trong việc thúc đẩy tạo ra hiệu quả. Nếu phụ huynh không ủng hộ thì khó lòng tạo ý thức cho HS và động lực cho người dạy.
Để giải quyết thực trạng này và tạo thói quen cho HS, thầy Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng nên duy trì học trực tuyến ngay cả sau khi kết thúc việc tạm nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Không cần thường xuyên nhưng cũng có thể tổ chức mỗi học kỳ vài ba tiết học theo hình thức này. Để thu hút thì phải tạo cho HS những quyền lợi nhất định, chẳng hạn như gần ngày kiểm tra thì online để giải đáp thắc mắc giúp HS luôn muốn tham gia và có nhu cầu học, vì nếu không sẽ thiệt thòi hơn các bạn.
Ngoài ra, tạo cho HS ý thức tự học bằng cách không ra bài kiểm tra theo kiểu đánh đố mà các yêu cầu đặt ra là để giúp HS thể hiện tư duy thông qua việc tự học.
Khó kết nối với học sinh
Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cho biết việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến đã gặp một số bất cập.
Đầu tiên, để triển khai, trường phải thay đổi nhận thức của thầy cô vì trước đây họ chưa từng dạy trực tuyến, do vậy nhiều người còn bỡ ngỡ trong việc chuẩn bị nội dung cũng như phương thức dạy.
Nhiều HS sau khi nghỉ học được bố mẹ gửi về quê, không thể kết nối internet, cũng có HS mải chơi nên đến giờ học GV không thể kết nối được với HS.
Khó khăn nữa theo bà Tâm là không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để kết nối internet, cũng như biết sử dụng các thiết bị điện tử thông minh. “Nhiều lúc mình điện thoại hướng dẫn chi tiết nhưng cũng có một số phụ huynh không biết sử dụng các thiết bị cũng như phần mềm dạy học để hướng dẫn cho con”, bà Tâm chia sẻ.
Trong thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm, nhiều GV bộ môn cùng nhau lên lịch dạy trực tuyến. Việc dạy quá nhiều môn trong ngày khiến HS quá tải. Sau phản ánh của HS, GV bộ môn đã điều chỉnh lại cách dạy, chia lịch các môn để không gây áp lực lên HS.
“Mỗi lớp đều có hơn chục môn học, nếu GV nào cũng tham gia dạy trực tuyến thì sẽ rất khó cho HS. Do vậy nên chọn dạy những môn trọng tâm, còn có những môn HS tự học, tự ôn được thì khuyến khích các em chủ động học”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cho biết, trường đã tổ chức họp trực tuyến mỗi tuần để nắm bắt những khó khăn mà GV gặp phải và cùng nhau tìm cách giải quyết. Các GV sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nên dần dần các GV của trường đã thích nghi được với việc dạy trực tuyến.
Cũng theo bà Tâm, thời gian đầu, có lớp chỉ có khoảng 10/40 HS tham gia, nhưng sau hơn 6 tuần triển khai, tỷ lệ tham gia ngày càng đông. Trong đó, HS cuối cấp, đặc biệt lớp 12 thì gần như tham gia 100%.
Khó khăn về trang thiết bị
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), nhìn nhận dù hiện nay việc triển khai giảng dạy trực tuyến cho HS có nhiều thuận lợi như trình độ tin học và sử dụng của GV tốt, ngành giáo dục tổ chức nhiều lớp tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy và chỉ đạo áp dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp dạy học từ nhiều năm học trước, nhiều phần mềm chương trình dạy học được cung cấp miễn phí giúp việc dạy và học trực tuyến được dễ dàng. Tuy nhiên, ông Bình nói rằng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế, trang thiết bị mỗi gia đình HS không giống nhau, thực tế còn một số gia đình không đủ điều kiện trang bị máy tính, kết nối mạng cho con em học tập.
Tương tự, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho biết khi triển khai dạy trực tuyến trường đã nhận được ủng hộ nhiệt tình từ cả phụ huynh và HS. “Cái khó là bây giờ phải tìm chương trình nào giảng dạy trực tuyến cho tốt. GV đã chủ động dạy trên nhiều ứng dụng như Zoom, Google Classroom… nhưng mỗi ứng dụng đều có những hạn chế riêng”, ông Khoa chia sẻ.
Ví dụ, việc dạy học trên phần mềm Zoom hay của VNPT thì GV phải trả một khoản phí nhất định. Một số phần mềm miễn phí, nhưng khi đưa vào sử dụng thấy không phù hợp nên nhiều GV buộc phải trả phí để được dạy.
Hạn chế nữa là với những ứng dụng này, mỗi lớp học chỉ dạy được khoảng 25 HS một lần vì phần lớn các phần mềm hạn chế số người tham gia. Hơn nữa, việc dạy học trực tuyến đối với các lớp đông HS sẽ rất khó để tương tác.
Về vấn đề này, ông Phạm Phương Bình cho rằng do điều kiện cơ sở vật chất các trường chưa chuẩn hóa để có thể đáp ứng tổ chức dạy học trực tuyến nên đa phần sử dụng các chương trình phần mềm miễn phí, quay các tiết dạy bằng các thiết bị sẵn có nên chất lượng bài dạy chưa cao.
Ngoài ra, theo ông Bình, do chưa có quy định rõ ràng về một tiết dạy trực tuyến nên hiện mỗi nơi mỗi kiểu theo điều kiện sẵn có. Vì vậy, cần quy định thống nhất chung về cách tổ chức dạy trực tuyến, đánh giá tiết dạy, kiểm tra đánh giá HS, quản lý và tổ chức cũng như trách nhiệm các bên (nhà trường, gia đình, GV, HS...).
Theo báo điển tử Thanh Niên